Niềng răng là một hành trình dài để kiến tạo một nụ cười hoàn toàn mới, một sự thay đổi mà chính bạn cũng đang mong muốn có được. Cũng bởi đó là một hành trình dài, nên bác sĩ nhận được rất nhiều câu hỏi tò mò liệu niềng răng bao lâu thì hết đau?
Để có được câu trả lời, mời bạn hãy đến với những chia sẻ dưới đây của bác sĩ. Bên cạnh đó, bác sĩ còn mang đến một số phương pháp giúp bạn nhanh chóng khắc phục những cơn đau này, hãy cùng tham khảo nhé.
Niềng răng thường đau ở những giai đoạn nào?
Hiện tượng bị đau khi niềng răng là rất bình thường và không thể tránh khỏi, xảy ra ở đa số những người áp dụng phương pháp nắn chỉnh này. Trong quá trình niềng răng, các cơn đau sẽ có mức độ và thời gian đau khác nhau tùy thuộc vào cơ thể, tình trạng răng miệng của mỗi người.
Nhìn chung, khi niềng răng, bạn sẽ thường gặp phải những cơn đau nhất khi:
- Bạn bước vào giai đoạn tách kẽ răng, đây là giai đoạn tạo khoảng trống nhằm giúp răng có thể vị trí để di chuyển. Cũng chính bởi sự thay đổi này mà bạn sẽ cảm thấy đau nhức ở chân răng, xuất phát từ sự cảm nhận của dây thần kinh và các mô mềm xung quanh khi chịu áp lực.
- Bạn vừa được lắp hệ thống mắc cài vào răng (hoặc khay niềng). Lý giải nguyên nhân là bạn vẫn chưa quen với sự xuất hiện của một công cụ khác trong khoang miệng, gây khó chịu hoặc đôi khi là những cảm giác đau đớn. Lúc này, bạn có thể thấy được một số sự nhạy cảm của răng, gặp khó khăn khi ăn nhai và giao tiếp.
- Ngay khi siết răng, đây là lúc hệ thống khí cụ làm việc để tạo ra lực để kéo răng về đúng vị trí theo lộ trình. Lực căng từ mắc cài (khay niềng) sẽ tác động lên cấu trúc răng, xương hàm và những mô mềm xung quanh khiến dây thần kinh răng và các mô xung quanh cảm thấy đau đớn, khó chịu.
- Giai đoạn tháo niềng răng – đây là giai đoạn gần cuối của quá trình niềng răng, khi bạn được gỡ bỏ toàn bộ hệ thống mắc cài răng khỏi răng. Trong suốt quá trình chỉnh nha, hệ thống khí cụ luôn tạo ra lực căng ổn định tác động lên răng và khi bị gỡ bỏ, răng sẽ có phần nhạy cảm và sinh ra cảm giác đau nhẹ. Ngoài ra, đây cũng là lúc cấu trúc răng của bạn đã hoàn toàn thay đổi, răng có thể vẫn chưa quen với vị trí mới nên bạn sẽ cảm thấy đau nhức nhẹ, âm ỉ.
Những cơn đau trong khi niềng răng ở mỗi người là khác nhau, và những cơn đau này là hiện tượng tự nhiên chắc chắn sẽ xảy ra trong suốt quá trình điều trị. Ngoài ra, có một số cách giúp hạn chế và giảm thiểu cảm giác đau đớn, chi tiết bác sĩ sẽ chia sẻ ở phần cuối cùng của bài viết này nhé.
2. Niềng răng bao lâu thì hết đau? – Bác sĩ trả lời
Nếu đã xác định được những giai đoạn sẽ xuất hiện cơn đau, vậy bạn có tự hỏi liệu những cơn đau này sẽ kéo dài bao lâu? Chúng có ảnh hưởng tới cuộc sống của bạn không?
Như bác sĩ luôn nhấn mạnh, cơn đau và mức độ đau ở mỗi người là khác nhau phụ thuộc vào vấn đề răng miệng, phương pháp điều trị, độ nhạy cảm của cơ thể. Theo kinh nghiệm của bác sĩ, những cơn đau có thể xuất hiện vào những ngày đầu của bốn giai đoạn trên và thường kết thúc sau 2 – 3 ngày.
Ban đầu, bạn sẽ cảm nhận được mạnh mẽ những cơn đau, sau đó cơ thể bạn sẽ dần thích nghi và mức độ cơn đau sẽ giảm dần, sau 2 – 3 ngày bạn sẽ gần như không cảm thấy đau nữa. Lúc này thì bạn có thể ăn uống và sinh hoạt bình thường nhé.
Đối với niềng răng ở trẻ em, cấu trúc răng còn khá mềm nên khi chỉnh nha, răng sẽ dễ dàng hơn trong việc di chuyển tới vị trí mới. Do đó, cơn đau thường chỉ kéo dài từ 1 – 2 ngày và cảm giác đau nhẹ hơn so với người lớn. Các bé có thể ăn uống bình thường từ ngày thứ ba nên phụ huynh cũng không cần quá lo lắng nhé.
3. Hướng dẫn cách giảm đau khi niềng răng hiệu quả
Để giúp các bạn có thể hạn chế những cơn đau và thoải mái hơn trong sinh hoạt hàng ngày, bác sĩ chia sẻ một số phương pháp giảm đau hiệu quả tại nhà mà bạn có thể tham khảo như sau:
- Uống thuốc giảm đau: Lưu ý chỉ dùng thuốc giảm đau được bác sĩ kê đơn và uống đúng liều lượng, không tự ý mua thuốc giảm đau ngoài hiệu thuốc bạn nhé.
- Bôi sáp nha khoa: Sáp chỉnh nha của nha khoa có công dụng giảm bớt những cơn đau và sự khó chịu khi đeo mắc cài. Bạn hãy sử dụng một ít sáp rồi bôi lên mắc cài nơi mà bạn đang cảm thấy đau nhé.
- Chườm đá hoặc ngậm thứ gì đó mát lạnh: Nhiệt độ thấp có thể làm dịu và giúp bạn tạm thời quên đi cơn đau. Một túi đá chườm vào nơi vùng răng bị đau sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn đấy.
- Súc miệng bằng nước muối ấm: Nước muối có tác dụng làm tăng độ pH trong khoang miệng góp phần ngăn chặn sự sinh sôi và phát triển của vi khuẩn. Hơn nữa, nước muối ấm còn có tác dụng khử khuẩn rất tốt – là một giải pháp tạm thời giúp giảm đau hiệu quả.
- Ăn thực phẩm mềm, dễ nhai: Một số cơn đau răng nguyên nhân là do sự siết răng của mắc cài, lúc này bạn chỉ nên ăn những thực phẩm mềm và dễ nhai để tránh tác động thêm vào vùng đau.
- Nhai nhiều để kích thích lưu thông lượng máu: Một số nghiên cứu cho thấy đau răng trong khi niềng có thể do lưu lượng máu giảm. Do đó, việc nhai giúp kích thích lưu thông lượng máu và giảm đau hiệu quả. Hãy nhai thức ăn mềm như bánh mì, phở,… nhé.
- Chăm sóc và vệ sinh răng miệng sạch sẽ: Khi ăn, các mảng bám trên sẽ đọng lại trên mắc cài và răng, nếu bạn không vệ sinh đủ sạch sẽ dẫn đến các bệnh về răng. Và đây cũng là một trong số những tác nhân gây đau răng mà bạn nên để ý.
Việc niềng răng là một quá trình đòi hỏi tính kỷ luật cao và sự kiên nhẫn của chính bạn. Bác sĩ biết rằng những cơn đau là trạng thái mà không ai mong muốn tuy nhiên, đó là hiện tượng tự nhiên khi bạn có sự can thiệp vào răng và hàm.
Nhưng bạn chớ nên lo lắng, cơn đau sẽ dần biến mất nhanh chóng nếu như bạn áp dụng những phương pháp khắc phục trên đây của bác sĩ. Với sự tuân thủ và kiên nhẫn từ chính bạn, không lâu đâu, bạn sẽ sớm nhận được một nụ cười mới hoàn hảo và tuyệt vời hơn rất nhiều. Hãy cứ yên tâm và đặt niềm tin vào bác sĩ – người sẽ đồng hành cùng bạn trên hành trình khám phá nụ cười mới, bạn nhé!